Giá thép xây dựng hôm nay 27/5/2019: giá thép tăng nhẹ, quặng sắt hàm lượng 62% vượt mức 100 usd/tấn
Giá thép xây dựng hôm nay tăng nhẹ sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ tìm cách kiềm chế thuế để hỗ trợ nền kinh tế.
Giá thép xây dựng thế giới tăng nhẹ
Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng nhẹ 1 nhân dân tệ lên 3.964 nhân dân tệ/tấn vào lúc 10h15, giờ Việt Nam.
Các chuyên gia phân tích nâng dự báo về giá quặng sắt sau khi đợt tăng giá gần đây đã đưa giá quặng sắt hàm lượng 62% lên trên mức 100 USD/tấn lần đầu tiên sau 5 năm, phần lớn là do thiếu nguồn cung từ Brazil.
Hầu hết các chuyên gia phân tích hiện nay dự đoán giá quặng sắt sẽ ở mức trung bình 82 – 92 USD/tấn so với mức cân bằng năm 2019. Theo S&P Global Platts, giá quặng sắt hàm lượng 62% đạt mức 102,45 USD/tấn vào thứ Năm (23/5).
RBC Capital Markets nhận định việc giá quặng sắt tăng trong 5 tháng qua là một trường hợp ngoại lệ. Ngân hàng Canada đã nâng dự báo quặng sắt 24% lên 82 USD/tấn.
Goldman Sachs cho biết trong khi sản lượng tiêu thụ thép của Trung Quốc là yếu tố kìm hãm giá thép thì nguồn cung thiếu hụt sau thảm họa vỡ đập của Vale đã thúc đẩy giá tăng không ngừng. Sản lượng thép thô của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đạt 314,6 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kì năm ngoái, dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia cho thấy.
Goldman Sachs đã nâng dự báo giá quặng sắt 12% lên 91 USD/tấn.
Goldman Sachs và RBC đều lưu ý thị trường quặng sắt đang ở đỉnh điểm về mặt thắt chặt nguồn cung.
RBC dự kiến do nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh, sản lượng quặng sắt sẽ thâm hụt khoảng 83 triệu tấn trong năm nay, sau đó là thặng dư 55 triệu tấn vào năm 2020. RBC dự đoán giá quặng sắt năm 2020 ở mức trung bình 65 USD/tấn.
Ngân hàng Commonwealth Australia nâng mức dự báo giá năm 2019 lên 7%, tương đương 92 USD/tấn, nhấn mạnh rằng khối lượng hàng tồn kho tại các cảng đang trong tình trạng rơi tự do.
Còn Ngân hàng Quốc gia Australia nâng dự báo giá quặng sắt trong năm nay lên 86 USD/tấn, cao hơn 5% so với dự báo trong tháng trước đó. Dự kiến giá quặng sắt trung bình là 72 USD/tấn vào năm tới.
“Vẫn còn một số điều không chắc chắn xung quanh việc nối lại nguồn cung của Brazil. Công ty Vale cho thấy khả năng khoảng một nửa công suất có thể hoạt động trở lại trong vòng một năm, trong khi số còn lại sẽ mất 2 – 3 năm”, theo NAB.
Doanh nghiệp thép Việt Nam hụt hơi
Chính sách phòng vệ thương mại (PVTM) và nỗ lực mở rộng sản xuất đã giúp ngành sản xuất thép trong nước dần lấy lại thị phần từ các sản phẩm nhập khẩu. Dù vậy, các doanh nghiệp thép đang niêm yết lại có dấu hiệu hụt hơi do không kiểm soát được chi phí.
Dù chiếm lĩnh được thị phần nội địa, nhưng các doanh nghiệp thép niêm yết lại hoạt động không mấy hiệu quả. Báo cáo tài chính quý I được công bố, cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa, khi nhiều doanh nghiệp ghi nhận sự giảm đáng kể về lợi nhuận, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn báo lỗ.
Các doanh nghiệp báo lỗ trong quý đầu tiên của năm 2019, có thể kể đến là CTCP Thép Nam Kim (NKG) lỗ 102 tỷ đồng, CTCP Thép Pomina (POM) lỗ 82 tỷ đồng, CTCP Thép Dana – Ý (DNY) lỗ 57 tỷ đồng, CTCP Thép Việt Ý (VIS) lỗ 34 tỷ đồng, CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) lỗ 26 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp còn lại dù không rơi vào cảnh thua lỗ nhưng lợi nhuận cũng sa sút nghiêm trọng. Đơn cử Tổng CTCP Thép Việt Nam (TVN) với lợi nhuận quý I sụt giảm đến 80%, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) giảm 53%, CTCP Đầu tư – Thương mại SMC (SMC) giảm 52%, CTCP Ống thép Việt Đức VG Pipe (VGS) giảm 43%, CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS) giảm giảm 33%.
Ngay doanh nghiệp đầu ngành là Thép Hòa Phát (HPG) cũng có dấu hiệu chững lại với lợi nhuận trước thuế 3 tháng đầu năm đạt 2.171 tỷ đồng (giảm đến 16,8% so với cùng kỳ 2018).
Giải trình về kết quả kinh doanh quý I, bà Đoàn Thị Mỹ Hồng, Tổng giám đốc DTL, cho biết do chi phí sản xuất tăng cao, trong khi giá bán thành phẩm không thể tăng nhiều, đã khiến doanh nghiệp thua lỗ. Giá vốn tăng cao cũng khiến POM lần đầu tiên nếm mùi thua lỗ sau 4 năm liên tiếp kinh doanh có lãi.
Theo ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Tổng giám đốc TVN, doanh nghiệp trong nước phải mua nguyên liệu đầu vào giá cao, nhưng đầu ra của phôi lại thấp nên càng sản xuất càng thua lỗ.
Trước khó khăn này, không ít doanh nghiệp đã chủ động giảm chỉ tiêu kinh doanh, thậm chí lên kế hoạch lỗ 92,5 tỷ đồng trong năm 2019 như trường hợp của VIS. Nếu VIS có chỉ tiêu kinh doanh cụ thể dù là chỉ tiêu lỗ, thì ĐHCĐ của DNY lại không đưa ra bất cứ chỉ tiêu kinh doanh nào trong năm 2019.